中文Tiếng ViệtEnglish

 

 ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC THEODORUS. LARRADOR, O.P
 ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG ĐA MINH TRUNG HOA

                            
        Năm giờ bốn mươi phút ngày 22 tháng 11 năm 1974, một người cao tuổi phúc hậu , sau khi trải qua mười mấy tiếng máy bay đã đến Đài Loan. Tình trạng sức khỏe không cho phép ông ngồi máy bay lâu như vậy, nhưng với một tình thần mạnh mẽ, một ý chí quyết tâm , một tình yêu nồng nàn đối với Trung Quốc ,và với niềm hy vọng có thể cùng sinh sống với người Hoa đã tạo cho ông động lực vượt qua những khó khăn và ông đã đến. Câu nói đầu tiên khi ông bước xuống sân bay đó là: “ Trung Quốc là đất nước thứ hai của tôi, từ nay trở đi tôi sẽ không bao giờ rời xa” . Ngày đó Đức Hồng Y Cardinal Paul Yü Pin đến sân bay đón ông, Đức Hồng Y ôm lấy ông và nói : “ Chào mừng cựu chiến binh trở lại”. Đây quả thật là một cựu chiến binh – một người có công công hiến cho công cuộc truyền giáo ở Trung Quốc,  một thành phần của Giáo hội Trung Quốc, người kế nhiệm các Thánh tông đồ, một tu sĩ Đa Minh, Đấng sáng lập dòng nữ Đa Minh Trung Hoa , Ngài là Đức Tổng Giám Mục Theodorus. Larrador, O.P
        Đức Tổng Giám Mục là người tỉnh Basia nước Tây Ban Nha , Ngài sinh ngày 11 tháng 11 năm 1888. Ngày 10 tháng 12 Năm 1906 ngài (18 tuổi) gia nhập nhà tập Dòng Đa minh, tỉnh dòng Đức Mẹ Mân Côi. Năm năm sau Ngài đến nước Mỹ học thần học . Năm 1914 Ngài đến philipines, ngày 2 tháng 10 năm đó Ngài (26 tuổi) lãnh chức vụ linh mục. Năm 1915 Ngài đến Trung Quốc , bắt đầu nửa đời người cống hiến cho công cuộc truyền giáo tại đất nước này. Công việc đầu tiên của Ngài là dạy học ở trường Dương Quang thành phố Phúc Châu là một trường của dòng Đa Minh, đồng thời  dạy tiếng Pháp tại một trường công lập, và sáu năm phục vụ cho người giáo dân nước ngoài tại Trung Quốc. Một vị linh mục họ Cao kể lại, khi đó vị linh mục này mới 15 tuổi học ở trong trường , sau khi tan học thường chơi với Ngài , cùng nhau đá banh, tập thể dục, Ngài tập cho cha chạy xe đạp, có lần Ngài đột ngột bỏ tay ra làm cha Cao bị té xe, nhưng qua lần đó cha Cao có gan tự chạy xe được.  Ngài cũng dạy cha Cao tiếng Tây Ban Nha, cha Cao dạy Ngài tiếng Phúc Châu, cha Cao cảm động trước tấm lòng của Ngài nên nuôi ước vọng làm linh mục. Năm 1925 Ngài làm hiệu trưởng trường Dương Quang. Chính phủ thành phố Phúc Châu mời Ngài làm thành viên ủy ban cứu nạn người nghèo, ngoài việc dạy học Ngài còn bận rộn với công việc từ thiện. Năm 1926 Đức Thánh Cha Pio XI tách Giáo Phận Phúc Châu thành hai giáo phận . Đấng sáng lập trở thành đại diện tòa thánh tại giáo phận Phúc Ninh mới thành lập. Ngày 18 tháng 11 cùng năm Ngài nhậm chức, vì tòa giám mục và nhà thờ chính tòa chưa được xây cất nên Ngài đã có một năm đi thăm và khảo sát tình hình các giáo xứ trong  giáo phận, đi khắp nơi cử hành các bi tích mà nhiều năm những nơi này đã bị gián đoạn, nghiên cứu về các vấn đề của giáo phận mới, lên kế hoạch, chuẩn bị kế hoạch cho việc phục vụ giáo phận. Sau khi khảo sát các giáo xứ,  Ngài xác tín rằng để phát triển giáo phận công việc cần thiết và gấp rút là thành lập nhà dòng , đào luyện linh mục bản xứ. Ngài dùng cơ sở của một nhà xứ cũ thành lập tiểu chủng viện, tiếp nhận 30 người. Các thầy tự làm sân thể dục, vì không có nhà tắm nên phải tắm bên bờ giếng, cuộc sống vất vả nhưng cuối cùng trong số đó cũng được 14 người nhận chức linh mục. Năm năm sau xây dựng tiểu chủng viện mới nhận thêm 60 người, nhưng khi chiến tranh Trung Nhật kết thúc chỉ có hai người lãnh chức linh mục, nhưng đã cống hiến cho giáo hội rất nhiều nhân tài. Ngài đi thăm các giáo xứ phát hiện giáo dân ở Phúc An rất sốt sắng , nơi đây có sáu vị thánh tử đạo Dòng Đa Minh. Ngoài ra còn có thiếu nữ Trần Tử Đông là thành viên dòng ba Đa Minh sống đời đồng trinh, trở thành một đóa hoa thơm đầy tràn nhân đức, sau khi chết còn làm rất nhiều phép lạ, đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống đạo của giáo dân tại đây. Phúc An có hơn một ngàn các thiếu nữ sống thanh khiết tại gia, giúp đỡ rất nhiều cho công việc truyền giáo. Đấng sáng lập nhìn thấy tình hình này quyết tâm thành lập dòng nữ địa phương, đào luyện những người này thành nữ tu chính thức. Khi tòa giám mục và nhà thờ chính tòa xây dựng xong, liền xây dựng nhà dòng ở trước khu vực nhà thờ, sau đó cảm thấy quá nhỏ nên xây thêm một tòa nhà bốn lầu có thể ở 200 người. Số người muốn tham gia rất đông nhưng vì cẩn thận nhóm đầu tiên chỉ nhận 6 người. Đấng sáng lập vì công việc thành lập nhà dòng đã hai lần đi Roma, và mời các nữ tu Đa Minh người Tây Ban Nha đến giúp công việc đào luyện. Ngày 19 tháng 9 năm 1932, mười một vị nữ tu dòng Đa Minh Mân Côi từ Tây Ban Nha đến giáo phận Phúc Ninh giúp đỡ việc đào luyện các nữ tu Dòng Đa Minh Phúc Ninh là tiền thân của Dòng Đa Minh Trung Hoa. Nhóm sáu người đấu tiên của Dòng Đa Minh Trung Hoa đức tin kiên vững, khi Trung Quốc chiến tranh vẫn giữ vững đức tin và tinh thần tu trì.
        Năm 1939 Đức Giám Mục truyền chức cho bảy linh mục đầu tiên của giáo phận Phúc Ninh, và nhà dòng đã có 30 nữ tu.  Ngài nhìn thấy thành quả của những khó khăn vất vả do chính tay Ngài gầy dựng lên ( lúc đó Ngài đã có 13 năm làm Giám Mục), cám thấy được an ủi. Ngài ở Giáo phận Phúc Ninh 25 năm, giáo dân sốt sắng nhiệt tình, chủ động đẩy mạnh công việc phục vụ giáo xứ, xây dựng 19 nhà thờ, 5 nhà thờ họ, hai nhà mồ côi, bốn trường học, ba bệnh viện. Những cơ sở này đã giúp đỡ rất nhiều cho những nạn nhân trong thời gian chiến tranh Trung Nhật, cho những người vô vọng có được nơi nương thân, phục vụ những người thương tích bệnh tật, nhắc nhớ con người hình ảnh Chúa Giê su vị mục tử nhân lành.
       Thời kì cuối của chiến tranh, quân Nhật đóng cửa các hải cảng, thực phẩm thiếu hụt, kinh tế của giáo phận gặp khó khăn, sản phẩm nông nghiệp cũng hư hại,các dòng nam nữ khó bề tồn tại, có người góp ý với Ngài nên tạm thời giải tán tu sinh, nhưng Ngài từ chối, Ngài nói với các nữ tu rằng: “Đứa trẻ ngốc,Thánh Teresa Avila khi ngài đưa các chị em đi lập nhánh mới, trên đường đi ngã phải vũng bùn, thánh nữ đã hát vang, các chị em đều cảm thấy kì lạ, Thánh nữ trả lời: "Đã nhìn thấy thánh giá, cộng đoàn mới , chắc chắn sẽ được thành lập". Bất luận khó khăn thế nào chúng ta cũng phải tiếp tục, các tu sinh nam nữ là tương lai của Giáo phận, quyết không thể giải tán”.
      Để tiếp tục nuôi dưỡng các tu sinh. Ngài bán đi một phần đất đai của giáo phận, tất cả tài sản cá nhân, ngay cả khăn tắm giáo dân tặng Ngài, đầu gối..., giải tán tất cả nhân viên của tòa giám mục. Tự mình đi trồng rau, khoai lang nuôi sống bản thân. Ngài đối với bản thân rất tiết kiệm nhưng đối với các nữ tu nhà dòng mà ngài đã thành lập đặc biệt yêu thương. Nếu có giáo dân tặng Ngài trứng gà ngài không nỡ ăn, đều đem đi muối rồi mang đến cho các sơ . Giáo dân tặng Ngài gạo người đầu tiên Ngài nghĩ đến cũng là các sơ. Có người trách cứ Ngài không nên làm như vậy, Ngài cũng không để ý. Một lần Ngài cho các sơ đậu phộng, trong thời thức ăn thiếu thốn thì đậu phộng là một thức ăn quý giá, các sơ rất vui nhưng vì đang là giờ giữ thinh lặng nên mọi người chỉ có thể ăn đậu phộng trong thinh lặng. Ngài nhìn thấy tình cảnh này mỉm cười nói: “Giống hệt một đàn chuột”. Hài hước, hiền hậu, nhân từ là những đức tính tốt đẹp của Ngài. Tình thương mà ngài đối với các nữ tu đã biểu lộ tinh thần của Thánh Đa Minh. Sau này bảy vị nữ tu đến Đài Loan giữa khó khăn muôn trùng vẫn không sợ khó khăn, gìn giữ ơn gọi đều là nhờ vào ghi nhớ gương sáng của Đấng Sáng Lập.
       Năm 1943, máy bay của quân Nhật trên bầu trời Sandu thả bom đạn, dân chúng sợ hãi trốn chạy. Đấng Sáng Lập lo ngại nhà thờ chính tòa và dòng tu bị phá hoại, Ngài đã đứng trên sân nhà thờ, đôi tay giơ cao như Môi sê cầu nguyện cho đến khi máy bay rút đi. Khi đó những trường học, cửa tiệm, nhà dân gần đó tất cả đều bị đổ nát nhưng nhà thờ chính tòa và dòng tu bình an, một cánh cửa cũng không bị vỡ, mọi người đều cho rằng đây là một phép lạ. Qua sự việc này càng nhìn thấy tấm lòng mục tử của Đấng Sáng Lập.
      Năm 1950, tình hình chiến tranh nguy hiểm , Ngài chuyển 13 chị em bao gồm các nữ tu và các em tiền tập đến Hongkong sau đó đến Đài Loan. Tháng sáu năm 1951 Ngài bị cộng sản Trung Quốc bắt giữ với tội danh “ Thúc đẩy hội Đức Mẹ ”, nửa năm sau bị kết án buộc rời khỏi Trung Quốc. Lúc đó Ngài 65 tuổi cùng với hai linh mục cùng dòng đi bộ năm ngày đến Quảng Châu, từ đó ngồi xe đến Hongkong, hiện nay còn giữ lại những tấm hình này của Ngài. Sau khi đến Hongkong , Đấng sáng lập thân thể suy yếu phải nhập viện chữa trị. Ngày 13 tháng 2 năm 1952, Ngài bình phục liền đến Đài Loan thăm hỏi các linh mục và các nữ tu. Các nữ tu nhìn thấy Ngài liền khóc không nguôi, Ngài hiểu tâm tư của các nữ tu, Ngài nói với họ: “ Đừng khóc nữa, những đau khổ thử thách bên ngoài giống như nước mưa, chỉ có thể làm ướt bên ngoài nhưng không thể thấm nhập vào tim chúng ta, chỉ sợ tâm hồn chúng ta hư rồi, như vậy mới là đáng thương”. Ngài ở Đài Loan hai tuần, sau đó phải trở về Tây Ban Nha, từ đó xa cách hơn hai mươi năm. Mặc dù Ngài ở nước ngoài nhưng tâm hồn luôn hướng về các nữ tu của nhà dòng mà Ngài đã thành lập. Sau này việc xây cất nhà tổng và bệnh viện Phúc An ở Đài Loan đều nhờ đến sự đóng góp kinh tế của Ngài.
       Từ năm 1952 đến năm 1972,thời kì Tây Ban Nha nội chiến, Ngài ở Tây Ban Nha đảm nhận chức vụ xét duyệt các vụ phong thánh cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Tại Đài Loan năm 1958 khánh thành nhà tổng, lúc đó bề trên tổng quyền Sr. Lai ghi nhớ công ơn của Đấng Sáng Lập mời Ngài đến Đài Loan để các chị em có dịp đền đáp công ơn của Ngài. Ngài cho rằng mình vẫn còn sức khỏe nếu ở Tây Ban Nha càng có thể giúp cho sự phát triển của nhà dòng nên đã từ tốn từ chối lời mời. Năm 1967 Cha Lin ( cha xứ giáo xứ Dounan, cha là ân nhân của nhà dòng) đến Tây Ban Nha thăm Đấng sáng lập nhìn thấy Ngài lúc đó đã 80 tuổi ,vì dòng Đa Minh lúc đó xây cất lại, nên Ngài phải đến ở nhờ dòng Phanxico. Mặc dù đã 80 nhưng Ngài tự xách hành lý lên lầu bốn, tự giặt quần áo, mặc quần áo cũ, quần áo rách cũng không có người giúp may vá, nếu đi ra ngoài về trễ cũng không có người chờ cửa chỉ có thể tự mình đi đến nhà cơm ăn bánh mì, uống nước sôi . Nhớ lại cảnh tượng khi Ngài ở Trung quốc ,  giáo dân coi Ngài như ông , nhiệt tình chăm sóc, nhưng lúc này cao tuổi là lúc cần người chăm sóc thì chẳng có ai, thật là một cảnh tượng đáng thương. Cha Lin nhìn thấy cảnh này với văn hóa kính lão tôn sư của người Hoa thì cảm thấy khó có thể chấp nhận , nhưng Đấng Sáng Lập không hề oán trách. Cha Lin thì cảm thấy đau lòng ,lại mời Ngài đến Đài Loan , với lý do Thánh Bộ chưa cho phép nên không đi được. Các nữ tu ở Đài Loan chỉ có thể ngày đêm mong nhớ ,cầu mong sớm ngày gặp mặt.
Tháng 8 năm 1973 các nhà truyền giáo Đa Minh quốc tế lần thứ nhất nhóm họp tại thành phố Madrid nướcTây Ban Nha. Nhà dòng có Sr. Regina Huang đại diện tham gia, nơi hội họp lại ở gần nơi ở của Đấng sáng lập nên có dịp được gặp Ngài. Ngài nhìn thấy Sr. Regina Huang vui mừng rơi nước mắt, 20 năm không nhìn thấy các nữ tu của mình, hôm nay có cơ hội gặp mặt, thật là một niềm vui khôn tả. Hai tuần họp là thời gian Sr. Regina Huang thay mặt các nữ tu biểu tả lòng hiếu thuận, và cũng đem tình hình của các nữ tu ở Đài Loan kể cho Ngài nghe. Ngài hỏi thăm các nữ tu và thật sự hy vọng có cơ hội đến Đài Loan. Ngài đặc biệt dâng thánh lễ cầu nguyện cho nhà dòng, Sr. Regina Huang là người duy nhất tham dự. Ngài nhìn người con đại diện duy nhất nói: “Mặc dù chỉ có mình con đại diện tham dự thánh lễ này, nhưng cha như nhìn thấy cả nhà dòng, không có ngày nào là cha không cầu nguyện cho các con. Cha thường cầu xin Chúa nhân lành gìn giữ các con, để các con có thể trung thành thờ phượng Thiên Chúa ở giáo hội Trung Quốc, và mang lại phúc lành cho nhân dân.” Những lời này đã biểu lộ tâm tình của Ngài và tấm lòng thương mến dành cho các con cái . Sr. Regina HuangChưa bao giờ được nhìn thấy Đấng sáng lập nhưng thời gian gặp gỡ này đã làm cho chị có ấn tượng rất tốt về Ngài. Chị cùng đồng hành với Ngài chầu Thánh Thể, nhìn thấy Ngài mặc áo dòng Đa Minh với bộ râu trắng xóa, quỳ trước Thánh Thể, nét mặt an tịnh, tâm hồn thư thái thật để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người.
       Ngài đưa Sr. Regina Huang đi dạo tại những khu phố nhộn nhịp của Madrid, khi gặp gỡ các giáo dân Ngài nhiệt tình giới thiệu, nhìn sự thỏa mãn, vui tươi của Ngài  Sr. Regina Huang cảm thấy rất hãnh diện là một nữ tu Trung Quốc. Điều làm cho sơ ghi khắc trong lòng là ngài nhìn có vẻ rất thần bí dắt sơ đến một ngân hàng, lãnh tất cả số tiền Ngài tiết kiệm được là tám ngàn tiền Tây Ban Nha đưa tất cả cho sơ và nhẹ nhàng nói: “Lần sau con tự đi một mình thì giúp cha mua một món quà nhỏ tặng cho các sơ làm quà. Sr. Regina Huang nghe lời Ngài đi mua một bộ chén thánh và mua cho mỗi sơ một bộ kim may vá. Khi Ngài nhìn thấy bộ chén thánh được làm một cách sắc sảo, Ngài rất vui lòng và không ngừng vuốt ve bộ râu của mình. Khi nhìn thấy các bộ kim của các sơ ngài bật lên cười, hài hước nói: “ con thay ta tặng kim cho các sơ, rất có ý nghĩa đấy”. Quả thật các sơ có thể nhìn thấy kim thì nhắc nhớ đến công ơn của Ngài, học tập đức bác ái và sự nhiệt tâm của Ngài, mỗi ngày trong cuộc sống nỗ lực dệt lên một bức tranh đẹp,làm đẹp cho Giáo Hội và xã hội. Ngài thường dựa vào những cơ hội xảy ra trong ngày để khuyên bảo, cổ vũ thế hệ sau sống tốt hơn.. Một lần Ngài đưa Sr. Regina Huang đi xem một cây sung , Ngài nói: “ Con xem dáng vẻ của cây không bắt mắt, trái của cây cũng bị lá cây che khuất, trái nhỏ nhưng ăn rất ngon, hy vọng con có thể ngẫm nghĩ về điều này”. Lời của Ngài rất đơn giản nhưng mang một ý nghĩa sâu sa, nếu như các con cái của Ngài có nhiều cơ hội được ở bên Ngài , nghe lời Ngài khuyên dạy chắc chắn có thể gia tăng nhân đức, chỉ tiếc một điều Tây Ban Nha và Đài Loan cách xa ngàn trùng. Thời gian Sr. Regina Huang họp ở Tây Ban Nha sống gần gũi với Đấng sáng lập , gợi nhắc Ngài nhớ về thời gian còn ở Trung Quốc, càng làm cho Ngài khát mong trở lại nơi này gặp các con cái. Ngài đã viết một bài báo cáo dài năm trang giấy gởi cho Thánh bộ, và dùng lời nói để diễn tả khát mong này.
        Năm 1974 , Thánh bộ đồng ý cho Ngài đến Đài Loan định cư, ngày 17 tháng 10 Ngài rời khỏi Tây Ban Nha đến Roma ,nhưng rồi ở Roma Ngài bị loét dạ dày nên phải quay về Tây Ban Nha. Sau khi điều trị bệnh xong cuối tháng 11 Ngài bay trực tiếp từ Tây Ban Nha đến Đài Loan. Ngày 22 tháng 11 đáp cánh tại sân bay Đài Bắc. Đức Hồng y Đài Loan dẫn Giám Mục , Linh Mục, tu sĩ và giáo dân đến đón Ngài. Một vị Giám Mục người nước ngoài từng sống ở Trung Quốc 36 năm nay trở lại cùng họ chia sẻ vui buồn đã trở lên một tin tức nóng hổi. Ngài đứng trên nơi mà hơn hai mươi năm nay luôn canh cánh trong lòng , không khỏi xúc động ,nước mắt trên bờ mi như trực tuôn ra. Ngài nói: “ Trung Quốc là quê hương của tôi, tôi muốn được an nghỉ ở đây”. Ngày 23 tháng 11 Ngài đến Dounan đón nhận sự chào đón của huyện trưởng và giáo dân . Từ nay trở đi Ngài có thể ở cùng với những người con mà Ngài ngày đêm mong nhớ.
        Ngài ở nhà tổng Dounan sáu năm, các sơ cùng ngài mừng 90 tuổi thọ. Năm 1975 tại giáo xứ Dounan các lãnh đạo tỉnh huyện, các Đức Giám Mục , 54 linh mục cùng dâng thánh lễ chúc mừng ngài 60 năm linh mục. Một mình ngài cô đơn sống ở Tây Ban Nha 20 năm, giờ đây ở Đài Loan nhận được tình thương yêu chăm sóc của mọi người thì cảm thấy rất được an ủi. Những ngày vui này đã để lại cho Ngài cũng như các sơ niềm vui và sự ngọt ngào trong tâm hồn. Thời gian sáu năm là một món quà mà Thiên Chúa đã ban cho các sơ. Mặc dù sáu năm này Ngài không đi ra ngoài làm nhựng việc lớn lao nhưng đời sống âm thầm cầu nguyện mỗi ngày, đọc kinh Mân Côi, tâm hồn tĩnh lặng, tư thái bình an của Ngài thu hút những người xung quanh . Chúng ta tin rằng, đời sống nhiệt tâm của Ngài đem đến cho Giáo Phận Gia Nghĩa và Giáo hội Trung Quốc muôn ơn lành của Chúa. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta một người cha tốt lành, một Đấng sáng lập tràn đầy nhiệt huyết truyền giáo.
 
 
 

 

TINH THẦN CỦA ĐẤNG SÁNG LẬP TRONG LÒNG CỦA CÁC CHỊ EM

  1. Nhiệt tâm yêu mến Chúa Giêsu và Mẹ Maria
      Tại cửa phòng của Ngài luôn dán ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu , mỗi lần đi ra đi vào Ngài đều hôn kính, mỗi ngày cả chục lần. Nếu đi ngang qua phòng của Ngài thường nghe thấy Ngài đọc lời nguyện tắt: “ Lạy Chúa Giêsu con tin tưởng Chúa, con cậy trông Chúa, con yêu mến Chúa”. Phần lớn thời gian trong ngày của Ngài đều là thinh lặng suy tưởng về Chúa, mỗi ngày ngoài giờ đọc kinh phục vụ và cử hành thánh lễ  thì trên tay Ngài luôn là tràng chuỗi Mân Côi, nhất là hai năm cuối đời, Ngài không còn để ý đến thế sự, toàn tâm nghĩ đến nước trời. Mỗi dịp các sơ đi thăm Ngài đều thấy Ngài đang đọc kinh Mân Côi, cả con người của Ngài như chìm đắm trong Thiên Chúa, nhìn cách thức Ngài cầu nguyện làm cho những người bên cạnh có cảm giác “Chúa thực sự hiện diện nơi đây, gần bên tôi”, rất bình an, rất thánh thiện , cảm giác như ở trên thiên đàng. Thái độ sốt sắng của Ngài khi tham dự thánh lễ càng khiến cho người khác cảm phục, mỗi khi có lễ lớn mặc dù tuổi tác đã cao nhưng Ngài luôn đến nhà thờ xứ tham dự cùng với các giáo dân. Thánh lễ hơn một tiếng đồng hồ nhưng một người hơn 90 tuổi như Ngài không hề thay đổi tư thế hay ngọ ngoạy tay chân, luôn nghiêm trang, lễ xong cũng không kêu mệt. Nơi Ngài đã thể hiện rõ tinh thần sốt sắng tham dự thánh lễ của Thánh Đa Minh.
  1. Khiêm tốn
      Khiêm tốn là tinh thần mà Ngài đã nhắc nhở các con cái trong di chúc của mình: “Cha khuyên các con hãy có một nhân đức quan trọng nhất đó là đức khiêm tốn”. Cuộc sống của Ngài chính là một tâm gương soi chiếu đức khiêm tốn. Mặc dù thân phận của Ngài là Đức Tổng Giám Mục và Đấng Sáng Lập Dòng, nhưng bất cứ việc lớn nhò Ngài luôn hỏi xin phép tổng quyền, nếu tổng quyền đồng ý Ngài rất vui mỉm cười, nếu tổng quyền cho rằng việc này không cần thiết Ngài liền nghe theo, những điều này xuất phát từ tinh thần khiêm tốn vâng phục, khiến các sơ rất cảm phục. Đôi khi các sơ vì bận rộn quên chăm sóc  Ngài cẩn thận,  Ngài không bao giờ oán trách, luôn nghĩ cho người khác, không làm cho người khác cảm thấy Ngài là gánh nặng. Khi các sơ đưa thức ăn cho Ngài, dù thích hay không thích Ngài đều vui vẻ ăn làm cho các sơ chăm sóc Ngài cảm thấy rất vui. Ngài không chỉ đối với bề trên khiêm tốn mà ngay cả đối với các sơ nhỏ Ngài cũng luôn vâng lời. Có những lúc đã ăn bữa nhẹ vào buổi chiều nên đến giờ ăn bữa tối Ngài vẫn chưa đói,  nhưng nếu sơ nhỏ nói phải ăn nhiều mới có sức khỏe, Ngài luôn nhìn sơ và rồi để sơ dìu đến nhà cơm,  dùng bữa như thường. “ Luôn nghĩ tốt cho người khác và khiêm tốn hạ mình” đó là đức tính đáng để mọi người ca ngợi của Đấng sáng lập. Trong đời sống thiêng liêng , Ngài thường dùng bí tích hòa giải như phương thế để đến gần Thiên Chúa, Ngài thường đợi các cha làm lễ xong thì xin xưng tội. Có một lần vì Ngài đã lớn tuổi, thân xác yếu mệt, đi đứng không thuận lợi, hy vọng Thiên Chúa sớm gọi Ngài về trời, linh mục đã nói với Ngài : “Thánh ý của Chúa là Ngài còn phải sống thêm vài năm”. Ngài vừa nghe thấy thế liền biểu tả thái độ vâng phục nói với linh mục : “Dù sống hay chết tất cả đều là vì Chúa”. Ngài rất thích làm lễ và trao ban Thánh Thể cho các sơ, tất cả những điều này đều xuất phát từ lòng khiêm tốn của Ngài.
  1. Khó nghèo, tận tâm
Hành lý của Ngài khi đến Đài Loan chủ yếu là quần áo đã mặc khi còn ở Trung Quốc. Nếu đồ đạc có thể chia ra dùng hai lần Ngài không bao giờ dùng một lần rồi vứt. Để tiện lợi cho Ngài , các sơ thường bật sáng điện trong phòng của Ngài cả ngày, mỗi khi Ngài ra khỏi phòng đều nhắc nhớ các sơ tắt điện. Cho bản thân Ngài rất tiết kiệm nhưng với người khác thì rất rộng rãi, có cái gì tốt đều cho các sơ , nhìn thấy các sơ vui Ngài cũng rất vui. Khi ở Trung Quốc Ngài đã bán đồ dùng cá nhân, tự mình cày cuốc để nuôi sống bản thân và các dự tu, tất cả đều xuất phát từ tinh thần khó nghèo. Ngoài đời sống khó nghèo Ngài còn là một con người rất tận tâm, người khác quên đóng cửa, Ngài liền đóng giúp. Khi còn ở trung Quốc, một lần nhìn thấy áo của các sơ bụi bẩn, Ngài liền lấy bàn chải giúp sơ chải sạch sẽ. Ngài thường để tâm đến nhu cầu của người khác và quan tâm đến từng vị nữ tu.
  1. Gần gũi và hài hước
         Ngài chưa bao giờ tỏ thái độ mình là bậc cao quý, mỗi khi  có người chào hỏi Ngài , Ngài luôn rất thân mật chào lại. Ngày đầu tiên Ngài trở về nhà dòng chính Dounan, mặc dù rất mệt mỏi vì đường xa nhưng Ngài không ngừng ôm hôn chào hỏi mọi người, thái độ quan tâm, ánh mắt nhân từ làm cho mọi gười cảm thấy rất ấm áp. Ngài rất yên thương trẻ nhỏ, trong túi lúc nào cũng chuẩn bị sẵn kẹo ngọt. Khi Ngài vẫn còn đi lại được mỗi ngày Ngài đi xuống lầu một chơi với các em nhỏ của trường mẫu giáo. Các trẻ nhỏ vây quanh Ngài gọi: “Ông ơi, ông ơi” và rồi kẹo trong túi Ngài cứ  thếvơi dần đi, khi đã phát hết kẹo mới ngồi xuống ghế nghỉ ngơi, các em nhỏ thích quấn quýt bên Ngài, Ngài không cảm thấy khó chịu nhưng rất vui, đôi khi Ngài vỗ nhẹ má các em, các em chạy nhảy bên cạnh Ngài, mọi người nhìn thấy đều mỉm cười vui sướng. Ngài rất thích nghe người khác hát, nhất là những bài hát nhẹ nhàng vui tươi, mỗi khi nghe xong Ngài thường vỗ nhẹ hai ngón tay biểu tả Ngài rất vui. Ngài cũng có tính hài hước của Thánh Đa Minh, thường nói đùa với các sơ, nhìn thấy các sơ cầm tấm vải đỏ làm người đấu bò , Ngài liền giơ hai ngón tay trên đầu làm bò, làm mọi người đều cười hết ga. Các sơ thích nhìn thấy Ngài cười nên thường bày trò chọc Ngài. Ngài rất hợp tác với trò chơi của các sơ làm cho mọi người đều vui. Ngài rất thích sự gọn gàng sạch sẽ luôn cắt tóc tai gọn gàng. Các sơ trẻ rất thích nghịch bộ râu dài trắng xóa của Ngài, có lúc vô tình giựt râu làm Ngài bị đau ,Ngài cũng không tức giận mà chỉ mỉm cười.
        Đời sống nội tâm sâu sắc và tính cách vui tươi của người Tây Ban Nha là điều làm cho Ngài được mọi người yêu mến. Trước khi đến Đài Loan Ngài đã từng lo lắng không biết mọi người có tiếp nhận mình không? Thực ra sự lo lắng này là dư thừa . Trước khi Ngài đến Đài Loan mỗi dịp lễ bổn mạng hay sinh nhật cùa Ngài ,các chị em ở Đài Loan đều tổ chức mừng, hầu hết các sơ đều chưa được gặp mặt Ngài nhưng đã yêu kính Ngài, khát vọng được nhìn thấy Ngài. Lần đầu tiên gặp Ngài thì đã bị con người của Thiên Chúa này thu hút, cảm thấy Ngài rất gần gũi. Suốt thời gian Ngài ở Dounan các sơ đã nhìn thấy, đã học tập nhân đức của Ngài một cách sống động. Ngài giống như ánh sáng trong đêm tối không chói lọi nhưng âm thầm soi sáng, làm cho mọi người cảm thấy ấm áp, dễ chịu.
       Ngày 6 tháng 5 năm 1980 Ngài yên bình đi vào giấc ngàn thu , phó thác linh hồn trong tay Chúa. Trước khi qua đời một tuần Ngài đã bị té gãy chân, cơn đau này đã cùng ngài đi chặng đường cuối cùng của đời người. Lý do cái chết của Ngài là : “ Viêm phổi dẫn đến khó thở”. Trước khi qua đời ba ngày trong bữa tối Ngài còn nói đùa với các sơ, khoảng chín giờ tối thì hít thở có vẻ khó khăn, sáng hôm sau lại trở lại với phong cách nghịch ngợm vui vẻ thường ngày , ánh mắt mở to nhìn khắp nơi, giống như không hiểu tại sao lại có nhiều các sơ ở bên cạnh mình như vậy. Khi Ngài biểu tả với các sơ Ngài muốn cắt sửa lại bộ râu thì mọi người trong lòng đã hiểu, Ngài đã chuẩn bị về trời. Các linh mục, tu sĩ, giáo dân  đến thăm Ngài, Ngài đều nói : “ Cha đã nhìn thấy trên  thiên đàng có rất nhiều người đang đợi cha”. Một con người thánh thiện lúc gần chết nhìn thấy các thánh đang chờ đợi thìkhông có gì là lạ. Môi miệng Ngài không ngừng kêu “ Giêsu Maria Giuse” và không ngừng làm dấu thánh giá, đã nhận bí tích sức dầu nhưng vì quên rồi nên lại xin cha xức dầu tiếp. Đến phút cuối cùng Ngài vẫn dùng tiếng Tây Ban Nha nói với linh mục : “ Cám ơn rất nhiều”.
      Ngài bình an, qua đời không giằng xé, không đau khổ, như là đi vào giấc ngủ, từ sự bình an của Ngài có thể nhìn thấy niềm vui của sự phục sinh.  Hai giờ chiều ngày 19 tháng 5 tại giáo xứ Dounan cử hành thánh lễ an táng. Đến tham dự ngoài hai Đức Giám Mục vìđau ốm hoặc đi nước ngoài không đến được, còn lại các Giám Mục khác của Đài Loan đều tham gia . Sau thánh lễ là nghi thức bái biệt và đưa Ngài về nơi an táng, đoàn người rước dài hơn một cây số, đi qua những con đường nhộn nhịp nhất của huyện Dounan khiến mọi người ngước nhìn. Đây là thành lễ an táng long trọng nhất tại giáo xứ Dounan. Khi con sống Ngài là một người khiêm tốn, khi chết đi được nhiều người biết đến. Đất thánh Dounan là nơi an nghỉ của Ngài , vị trícách nhà dòng không xa, các sơ bất kì lúc nào cũng có thể đến thăm Ngài. Cha Gao người học trò năm xưa của Ngài bên Trung Quốc mỗi năm đều đến thăm Ngài và cùng các sơ cầu nguyện cho Ngài. Ngài  một đời đã sống tinh thần của Dòng Đa Minh: bảo vệ chân lý, tâm hồn nhân ái, nỗ lực không lười biếng sống vì Chúa 92 năm , tin tưởng rằng hôm nay đây trên thiên đàng Chúa nhất định sẽ thưởng công cho Ngài.
       Khi còn sống Ngài luôn quan tâm đến dòng tu mà Ngài đã thành lập ở Trung Quốc, sau khi chết Ngài chắc chắn vẫn tiếp tục quan tâm. “ Cha thường xin với Thiên Chúa nhân lành chúc lành cho các con, để các con có thể trung thành phục vụ Thiên Chúa tại giáo hội Trung Quốc, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.” Đây là lời mà Ngài đã nói khi ở Tây Ban Nha. Ngày nay ở trên trời, Ngài nhất định cũng mang lấy tâm tình này mà cầu nguyện cho chúng ta. Ngài là một nhà truyền giáo người nước ngoài đã dâng hiến cuộc đời mình cho giáo hội Trung Quốc, những người con của Ngài là những nữ tu Đa Minh Trung Hoa cũng cần nên giống Ngài dâng hiến cuộc đời với tinh thần giảng thuyết, nhân ái , giáo dục phục vụ giáo hội Trung Quốc
        Hy vọng tinh thần  và gương sáng của Đấng Sáng Lập , tiếp tục sống mãi trong cuộc sống của từng nữ tu Đa Minh Trung Hoa. Nguyện ước điều mà Ngài mong ước trong di chúc có một ngày được thực hiện : “Mong rằng những người mà đời này tôi gặp gỡ, có một ngày sẽ lại được gặp nhau trên thiên đàng”.
        Ngày 4 tháng 3 năm 1995